logo
title

Nà Hẩu (Văn Yên, Yên Bái) xây dựng mô hình “Trường học gắn với du lịch”

Cập nhật ngày: 16/03/2023
Mô hình "Trường học gắn với du lịch” tại các trường học ở Nà Hẩu (Văn Yên, Yên Bái) được xây dựng từ định hướng phát triển du lịch của xã, dựa trên lợi thế về cảnh quan, dịch vụ ăn nghỉ tại hộ gia đình.
 
Các bé lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Nà Hẩu biểu diễn các điệu múa truyền thống bên “Nhà bản sắc người Mông”
 
Trong vài năm gần đây, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã thu hút khá đông du khách đến địa phương nhờ có lợi thế về cảnh quan như các cánh đồng ruộng bậc thang, thác nước, hang động và đặc biệt là có các món ăn truyền thống của người bản địa cũng như dịch vụ ăn nghỉ tại hộ gia đình.
 
Từ định hướng phát triển du lịch của xã, Trường Mầm non Nà Hẩu cùng với các trường học trên địa bàn xã đã nghiên cứu và mạnh dạn xây dựng mô hình "Trường học gắn với du lịch”. 
 
Đầu năm 2023, Trường tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng "Nhà bản sắc người Mông”. Mô hình là một "bảo tàng thu nhỏ” tái hiện lại đời sống, nét văn hóa bản sắc của đồng bào Mông xã Nà Hẩu thông qua trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc và đồ dùng sinh hoạt của người Mông... 
 
Không chỉ nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa Mông, "Nhà bản sắc người Mông” đã tạo cơ hội để trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm, giúp trẻ tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương, từ đó giáo dục trẻ ý thức giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình; từng bước xây dựng trường học gắn với du lịch, phát huy lợi thế du lịch truyền thống văn hóa tại địa phương. Đây là công trình nằm trong kế hoạch xây dựng trường học gắn với du lịch của nhà trường. Qua đó không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng hướng tới mô hình du lịch trường học mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
 
Cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng  Trường Mầm non Nà Hẩu chia sẻ: "Kinh phí xây dựng và các sản phẩm trưng bày đều do chính quyền địa phương, phụ huynh đóng góp. "Nhà bản sắc người Mông” đi vào hoạt động như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng mô hình trường học gắn với du lịch. Bước đầu qua các buổi học trẻ thêm yêu văn hóa của dân tộc mình, biết giới thiệu về trang phục, công cụ lao động của người bản địa”. 
 
Cùng với xây dựng "Nhà bản sắc người Mông”, Trường mầm non Nà Hẩu còn lựa chọn các sản phẩm văn hóa địa phương để xây dựng các góc, khu vực nhà sàn mô phỏng để trưng bày giới thiệu và giáo dục học sinh như: khèn của người Mông; trang phục dân tộc; dụng cụ lao động; cối giã gạo, cối xay, cọn nước; các nhạc cụ dân tộc; hình ảnh về Lễ hội cúng rừng; các sản phẩm văn hóa ẩm thực dân tộc Mông... 
 
Các lớp học thì lựa chọn những sản phẩm tự nhiên của địa phương để xây dựng các góc trang trí hay những khu vực phù hợp trong trường để trưng bày, giới thiệu và giáo dục học sinh về mô hình núi thác nước, ruộng bậc thang Nà Hẩu hay hình ảnh rừng nguyên sinh… 100% các lớp học xây dựng góc địa phương, với sự đồng hành của phụ huynh học sinh khi ủng hộ trang phục, nông sản, làm mô hình nông cụ để trưng bày. Nhà trường dự định, thời gian tới sẽ tổ chức đón khách du lịch vào trải nghiệm cùng với học sinh. 
 
Để chủ động, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đã tổ chức hướng dẫn cho một nhóm học sinh lớp 5 tuổi học lễ tân đón khách; cho trẻ hướng dẫn, giới thiệu về nét văn hóa, phong tục, ẩm thực của đồng bào Mông. 
 
Đồng thời, tuyên truyền học sinh vận động gia đình thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; xây dựng mô hình homestay đón du khách vào trải nghiệm. Các hoạt động dạy học, thực hành, trải nghiệm về văn hóa, hoạt động giáo dục được gắn với kế hoạch giáo dục của nhà trường. 
 
Trong đó, lồng ghép múa xúng xính vào hoạt động thể dục buổi sáng; tổ chức các trò chơi dân gian; tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa trong Tết  rừng; tết Nguyên đán... 
 
Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh nhận định: "Mô hình xây dựng trường học gắn với du lịch giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nền văn hóa đa dạng của dân tộc thiểu số trên địa bàn xã; bản sắc văn hóa dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, cũng như để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Học sinh được học tập, thực hành, trải nghiệm với các hoạt động thực tiễn bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó có ý thức giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình".
 
"Qua đó học sinh được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương, nhằm từng bước phát huy lợi thế du lịch trải nghiệm tại địa phương, giúp học sinh học tập tốt hơn và thêm yêu quê hương đất nước, đặc biệt giúp học sinh phát triển ngôn ngữ và có kỹ năng tiếng Việt”, cô Thanh nói thêm. 
 
Minh Tư
Báo Yên Bái Online - baoyenbai.com.vn